API ngày càng phổ biến và được các developer ưa chuộng lựa chọn ứng dụng trong quá trình phát triển phần mềm, nhưng chúng có thật sự an toàn hay không?
API có an toàn không?
Trong quá trình sử dụng API, người dùng không cần phải chia sẻ tất cả dữ liệu cá nhân của mình với server.
Và ngược lại, server cũng sẽ không truy xuất toàn bộ mọi dữ liệu nó có mà thay vào đó, mỗi một giao tiếp chỉ thực hiện chuyển đổi các gói nhỏ cần thiết.
Tuy nhiên, việc quản lý cả bộ API số lượng nhiều lại là một thách thức cực kỳ lớn khi mức độ ứng dụng nó ngày càng gia tăng nhanh chóng, khiến nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công cũng trở nên rủi ro hơn bao giờ hết.
Sự ưu việt và phổ biến rộng rãi của API đã khiến chúng trở thành mục tiêu khai thác hàng đầu với các hacker. Điều này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như đánh mất thông tin dữ liệu tuyệt mật.
Đối tượng tội phạm mạng hoàn toàn có thể lợi dụng bản chất linh hoạt của API để thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân và doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, các API cũng luôn ở trong tình trạng đổi mới liên tục, khiến chính sách bảo mật đôi khi không thể đáp ứng kịp tốc độ này.
Một số lỗi khiến API không an toàn
Không xác thực người dùng
Nhiều API không kiểm tra trạng thái xác thực khi có yêu cầu được thực hiện từ người dùng, tạo điều kiện cho các hacker tấn công và giả mạo danh tính bất hợp pháp.
Đây chính là mục tiêu hoàn hảo cho các tội phạm mạng trong “công cuộc” chiếm đoạt tài khoản người dùng.
Ngoài ra, nó còn có thể được chúng tận dụng để do thám và xác định cách thức hoạt động của API.
Mã hóa kém
Việc API thiếu tính năng mã hóa mạnh mẽ giữa máy chủ và người dùng đã đem lại cơ hội thuận lợi cho các hacker thực hiện cuộc tấn công MITM (man-in-the-middle).
Qua đó, các hacker này sẽ tiến hành ngăn chặn mọi giao dịch API không được mã hóa hoặc có mức độ bảo vệ kém, nhằm mục đích đánh cắp thông tin nhạy cảm.
Bảo mật endpoint kém
Có thể nói, hầu hết mọi thiết bị IoT và công cụ microservice đều đã được lập trình để giao tiếp với máy chủ thông qua các kênh API.
Chúng sẽ tự xác thực trên máy chủ API thông qua chứng chỉ ứng dụng khách.
Khi các hacker giành lấy quyền kiểm soát API từ điểm cuối IoT thành công, chúng hoàn toàn có thể thay đổi thứ tự và gây ra tình trạng vi phạm dữ liệu.
Bảo mật API thế nào cho an toàn?
- Sử dụng chứng chỉ bảo mật SSL phục vụ cho việc mã hoá các dữ liệu quan trọng được truyền đi.
- Lập chữ ký số bao gồm các ký tự biểu trưng cho một người sử dụng, lưu chúng tại cơ sở dữ liệu và chỉ cung cấp trong trường hợp nhập đúng tên kèm theo mật khẩu.
- Không nên lựa chọn sử dụng các password cố định hoặc nhúng, tránh bao gồm cả thông tin cá nhân.
- Kiểm tra thẩm quyền mọi người dùng và xác thực ứng dụng.